CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Ung thư đường tiêu hóa có liên quan tới sức khỏe răng miệng

Trong một nghiên cứu mới được công bố, các nhà khoa học từ Đại học Harvard đã chỉ ra rằng, răng miệng không khỏe mạnh làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Kết luận của nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ hai công trình khoa học trước đó về vai trò của hệ vi sinh vật miệng trong ung thư dạ dày và mối liên hệ tiềm ẩn giữa vi khuẩn miệng và ung thư thực quản.
Theo đó, tiền sử bệnh nha chu có thể làm tăng 52% nguy cơ ung thư dạ dày và 43% nguy cơ ung thư thực quản. Cũng theo nghiên cứu, những người bị mất từ ​​2 chiếc răng trở lên cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với người không bị mất răng. Cụ thể, nguy cơ mắc ung thư dạ dày và ung thư thực quản sẽ tăng lần lượt là 33% và 42%.
TS Mingyang Song, đại diện nhóm tác giả, cho biết: "Những người bị bệnh nha chu và mất răng có nguy cơ mắc hai loại ung thư đường tiêu hóa này cao hơn so với nhóm đối chứng. Điều này đúng ngay cả khi đã điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác ".
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phân tích mối liên quan giữa tiền sử bệnh nha chu và mất răng ở 98.459 phụ nữ và 49.685 nam giới với nguy cơ ung thư thực quản và dạ dày. Trong khoảng thời gian theo dõi (kéo dài 22 - 28 năm). Họ ghi nhận 199 trường hợp khởi phát ung thư thực quản và 238 trường hợp khởi phát ung thư dạ dày.
Ung thư đường tiêu hóa có liên quan tới sức khỏe răng miệng - Ảnh 1.
Theo phân tích của nhóm tác giả, tình trạng viêm nhiễm do bệnh nha chu có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Cụ thể, người mắc bệnh nha chu thường xuyên phải đối mặt với tình trạng viêm nhiễm, đây là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sức khỏe răng miệng kém cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng và nướu, có thể dẫn đến ung thư.
Trước đây, các nhà khoa học đã tìm thấy liên kết giữa các vi khuẩn thường được tìm thấy trong miệng (chẳng hạn như tannerella forsythia và porphyromonas gingivalis) và ung thư thực quản. Điều này có thể do vai trò tiềm năng của hệ vi sinh vật đường miệng và đường ruột trong sự phát triển của bệnh.
Đây không phải lần đầu một nghiên cứu từ Harvard liên kết ung thư và bệnh nướu răng. Năm 2017, một nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Alessandro Villa, giảng viên về dược, nhiễm trùng và miễn dịch của Đại học Harvard cảnh báo nếu phụ nữ lớn tuổi mắc bệnh nướu răng, họ sẽ bị tăng 14% nguy cơ ung thư vú, ung thư phổi và ung thư hắc tố (dạng nguy hiểm nhất của ung thư da).
 
Ung thư đường tiêu hóa có liên quan tới sức khỏe răng miệng - Ảnh 2.
Trước đó, một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Queen's Belfast (Anh) cho thấy sức khỏe răng miệng kém cũng làm tăng 75% nguy cơ mắc ung thư gan. Nghiên cứu này kéo dài 6 năm, với 469.000 người tham gia, đã điều tra mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe răng miệng và nguy cơ mắc một số bệnh ung thư đường tiêu hóa, bao gồm ung thư gan, ruột kết, trực tràng và ung thư tuyến tụy.
Các nhà nghiên cứu đã ước tính mối liên quan giữa nguy cơ ung thư và các tình trạng sức khỏe răng miệng như nướu đau hoặc chảy máu, loét miệng và răng lung lay. "Từ đó cho thấy sức khỏe răng miệng kém cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, như bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường," bác sĩ Haydee WT Jordao, từ Trung tâm Y tế Công cộng tại Đại học Queen, Belfast (Anh), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu công bố hồi năm ngoái cho biết.
Cũng vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu Mỹ tuyên bố, mắc bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Họ phát hiện ra vi khuẩn gây chảy máu nướu răng có thể xâm nhập từ miệng vào não. Do đó, việc đánh răng đúng cách có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Lời khuyên để chống lại bệnh nướu răng rất đơn giản: Hãy đánh răng thường xuyên. Một người được khuyến cáo đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy và ban đêm trước khi đi ngủ. Nếu có thể, hãy đánh răng thêm vào bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy răng miệng mình không sạch sẽ.

Theo vneconomy.vn

Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS