Vì sao bão số 13 đổi hướng và di chuyển chậm trước khi vào đất liền?
Lúc 1h ngày 15/11, tâm bão số 13 được xác định gần đất liền Đà Nẵng nhất so với các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau đó bão lại đổi hướng đi lên phía Bắc và đổ bộ vào Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Bão số 13 (bão Vamco) được xác định vào vùng biển các tỉnh miền Trung tối 14/11. Thời điểm này và nhiều giờ tiếp theo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ thời điểm đó đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm.
Đến 1h ngày 15/11, tâm bão số 13 được xác định gần đất liền Đà Nẵng nhất (cách 70km) so với các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng ở miền Trung.
Do hoàn lưu bão gây gió mạnh, mưa lớn trên đất liền ở nhiều tỉnh miền Trung từ tối 14/11 cho đến hết sáng 15/11 nên nhiều người có cảm giác bão đã đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, sau hơn 10 giờ áp sát nhiều tỉnh miền Trung, đến 13h ngày 15/11, tâm bão mới vào đất liền khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.
Sau khoảng 3 giờ quần thảo trên đất liền khu vực trên bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa to ở nhiều nơi, gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 120mm; các nơi khác ở Việt Bắc có mưa vừa với lượng mưa từ 20-50mm.
Ông Mai Văn Khiêm.
Liên quan đến việc vì sao bão 13 đổi hướng và di chuyển chậm trước khi vào đất liền, trưa nay (16/11), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Tối 14/11, sau khi vượt qua kinh tuyến 109 độ kinh Đông vào vùng biển miền Trung, bão số 13 đi vào rìa phía Tây Tây Nam của áp cao cận nhiệt đới, nơi dòng dẫn đường thay đổi từ hướng Tây sang hướng Tây Tây Bắc.
"Thời điểm tiến sát đảo Cồn Cỏ (8-10h ngày 15/11), bão nằm ở rìa phía Tây của áp cao cận nhiệt đới, nơi dòng dẫn đường yếu, nên bão di chuyển chậm trước khi tâm bão vào đất liền khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh lúc 13h chiều ngày 15/11", ông Khiêm cho biết.
Trước đó, sáng sớm 12/11, bão Vamco đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 13 trong năm 2020.
Theo ông Mai Văn Khiêm, bão Vamco có nhiều điểm đặc biệt hơn cơn bão số 12. Bão Vamco xuất phát điểm gần giống với cơn bão số 9, bề mặt nước biển khu vực bão hình thành ở vùng biển ngoài khơi Philippines khoảng 31-32 độ C là điều kiện để bão tăng cường độ.
Bão Vamco có hoàn lưu rộng nên khi vào Philippines ít bị suy yếu. Khi vào Biển Đông (sáng 12/11), bão vẫn ở cường độ khá mạnh, cấp 12, giật cấp 15.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết thêm, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng biển phía Đông Nam của Quần đảo Hoàng Sa cao (khoảng trên 27 độ C) là điều kiện cho bão tăng cường độ, nên sáng sớm ngày 14/11, bão đã mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 17.
“Nhưng khi bão vượt qua khu vực Quần đảo Hoàng Sa đi vào vùng biển phía trong nhiệt độ bề mặt nước biển thấp hơn nên bão suy yếu. Bão tiếp tục suy yếu khi vào vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung”, ông Khiêm cho biết.
Theo đó, sáng sớm ngày 15/11, bão số 13 đã giảm cường độ, ở cấp 9-10, giật cấp 12. Trước đó, suốt đêm 14/11, rạng sáng 15/11, bão gây mưa lớn, gió mạnh ở khu vực ven biển các tỉnh miền Trung. Tại Đà Nẵng, nước sông Hàn dâng cao, tràn vào các tuyến đường Như Nguyệt, Bạch Đằng... gây ngập khoảng nửa mét. Sóng lớn đánh vào bờ kè đường Như Nguyệt có lúc cao đến 5m.
Sau hơn 3 ngày quần thảo trên Biển Đông, lúc 13h chiều 15/11, tâm bão đã vào đất liền khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.
Lúc 13h chiều 15/11, tâm bão số 13 vào đất liền khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh. (Ảnh: NCHMF).
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Với sức gió mạnh nhất khi đổ bộ cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11, bão Vamco giảm 6 cấp so với lúc mạnh nhất trên Biển Đông. Nguyên nhân bão giảm cường độ là do đường di chuyển của bão "chịu tác động của không khí lạnh khô".
Theo Nguyễn Dương (Dân trí)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tăng cường quản lý thuốc lá trong giới trẻ
- Từ 1/6, Hà Nội miễn phí cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID
- Người 21 lần hiến máu và không ngừng "truyền lửa" đến cộng đồng
- Giá vàng SJC tăng 'điên cuồng' bất chấp mọi can thiệp
- Sân bay nóng như 'chảo lửa' có ảnh hưởng đến các chuyến bay?
- Quá khủng khiếp: 110 kỷ lục nắng nóng bao trùm kỳ nghỉ lễ
- Trở thành ‘trẻ 3 tuổi’ sau chuyến ship hàng giữa trưa nắng
- Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp 30/4-1/5
- Văn hóa công sở: Có sếp hay nhậu, 'cụng' tới bến hay né tránh?
- Siêu mẫu Minh Tú mặc váy cưới xuyên thấu, gợi cảm bên bạn trai ngoại quốc
- Những chiến sĩ blouse trắng lặng thầm tỏa sáng
- Đề xuất mẫu thẻ Căn cước mới áp dụng từ 1/7/2024