Việc tiếp cận BHYT cho người nhiễm HIV, nhất là trẻ em còn rất thấp
Vẫn còn nhiều khoảng trống trong điều trị bệnh nhi nhiễm HIV
Theo ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện có 36 cơ sở điều trị nhi, còn lại là các cơ sở lồng ghép, thiếu người có trình độ chuyên môn sâu về điều trị nhi và xử lý các tình huống. Việc điều trị bằng thuốc ARV ở tuyến huyện được mở rộng xuống tuyến xã vẫn còn nhiều khoảng trống trong điều trị nhi.
Trên thực tế trẻ em bị ảnh hưởng HIV còn khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ, vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với các em. Vấn đề này làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhóm quyền của trẻ em, nhất là quyền được học tập của trẻ.
Việc tiếp cận BHYT cho người nhiễm HIV nói chung và trẻ em còn rất thấp. Nhiều trẻ sinh sống trong gia đình có bố, mẹ hoặc người thân nhiễm HIV/AIDS chưa được xét nghiệm định kỳ phát hiện HIV do kinh tế khó khăn, thiếu phương tiện đi lại hoặc chưa nhận thức hết về sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm để phòng ngừa và phát hiện sớm lây nhiễm HIV.
Trong khi đó, cơ chế bình xét hộ nghèo tại cộng đồng cùng với tâm lý e ngại bị kỳ thị lại chính là rào cản khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình bị hạn chế năng lực tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy...
Sự phân biệt, kì thị khiến trẻ em dễ tổn thương
TS. Ngũ Duy Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho rằng, hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng khiến trẻ em nhiễm HIV/AIDS dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Các em không tự tin, sống khép mình, thường lảng tránh bạn bè, ngại tiếp xúc với mọi người vì sợ bị phân biệt. Điều này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Mặt khác, do hạn chế về nhận thức của một số ban ngành và cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên đã được nâng cao nhưng chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ y tế trường học, làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn rất thiếu, bất cập về chất lượng và chế độ đãi ngộ; chưa có nhiều các dịch vụ tại cộng đồng, thiếu đội ngũ cán bộ xã hội trong chăm sóc tư vấn tâm lý cho trẻ em nói chung, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng...
Theo ông Cảnh, do quy định về bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS nên cán bộ y tế còn dè dặt trong việc cung cấp thông tin về người nhiễm HIV cũng như trẻ nhiễm HIV cho các bên liên quan, đặc biệt là chuyển thông tin cho cán bộ xã hội khiến công tác phát hiện các trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ.
Đặc biệt, việc thiếu thông tin, không cập nhật đầy đủ thông tin về trẻ bị nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV đã hạn chế đáng kể đến việc triển khai các chính sách, hoạt động hỗ trợ trẻ em của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và ngành Giáo dục – Đào tạo.
Ngoài ra, việc thiếu chính sách hỗ trợ đối với cộng tác viên làm công tác trợ giúp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng dẫn đến tình trạng trẻ em trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/ADIS không được phát hiện kịp thời để có các biện pháp trợ giúp phù hợp và hiệu quả.
Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều chương trình, đề án
Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020; Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; Chiến lược phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020; Quy định bảo trợ xã hội đối với trẻ em nhiễm HIV (được quy định trong Nghị định 136/2013/NĐ-CP)…
Theo Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh, để những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, khám, chữa bệnh tốt nhất, thời gian tới, ngoài việc tăng cường phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về Kế hoạch quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV.
Bám sát chương trình hành động quốc gia để tiếp tục và mở rộng dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ nhiễm HIV.
Tiếp tục ưu tiên duy trì điều trị bằng ARV cho trẻ nhiễm HIV, phối hợp các đơn vị chức năng chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh…
BÁCH HỢP(Theo báo Tiền Phong)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- An Giang tìm cách "tiếp cận" nhóm nam quan hệ đồng giới nhằm ngăn chặn dịch HIV
- Hơn 300 chữ ký kêu gọi Gilead mở rộng sản xuất thuốc lenacapavir điều trị HIV
- Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận dự phòng, điều trị
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn
- Hợp đồng xã hội, giải pháp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS
- 3 người nhiễm HIV sau khi trẻ hóa da bằng máu tự thân
- Phê duyệt dovato trị HIV cho thanh thiếu niên
- Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với người nhiễm HIV
- Lào Cai tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV
- ‘Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV’
- Bác thông tin chủ shop quần áo nhiễm HIV 'kiêm' bán dâm, lây nhiễm cho nhiều người