Bệnh giang mai diễn biến phức tạp trên toàn cầu
Cuối thập niên 1990, cùng với nỗ lực đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh giang mai cũng giảm đến mức rất thấp. Một số quốc gia xây dựng kế hoạch nhằm loại trừ hẳn giang mai.
Tuy nhiên, kể từ sau năm 2000 đến nay, tỷ lệ mắc giang mai có xu hướng tăng dần đều. Đặc biệt, con số này gia tăng mạnh mẽ trong vài năm gần đây tại nhiều khu vực trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Liên tiếp tăng số mắc giang mai tại Việt Nam
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết trong năm 2022, số lượng người đến khám các bệnh lý liên quan đường tình dục có xu hướng tăng nhẹ.
"Khuynh hướng bệnh cũng có sự thay đổi, nhiều hơn ở nhóm người trẻ tuổi, quan hệ đồng tính nam. Trong đó, các bệnh lý giang mai vẫn tiếp tục tăng theo đà các năm", bác sĩ Tường nói thêm.
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, những ngày đầu năm, đơn vị này tiếp nhận trên dưới 3.000 lượt khám mỗi ngày. Trong đó, ngoài khám và điều trị thẩm mỹ da và nội khoa, số lượng khám và sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, giang mai cũng gia tăng.
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số lượt khám bệnh giang mai có xu hướng tăng mạnh từ 2.091 ca (năm 2014) lên đến 8.230 ca (năm 2022). Tính từ đầu tháng 1 đến tháng 11/2022, hơn 7833 bệnh nhân đến khám vì bệnh giang mai, qua đó cho thấy tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng tăng nhanh trong thời gian trở lại đây.
Ngoài ra, trong nhiều năm, số bệnh nhân khám chữa giang mai muộn và giang mai thứ sinh tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM lần lượt đông thứ 3 và thứ 5 trong tổng số bệnh nhân khám, chữa bệnh da liễu tại đây.
Theo thống kê năm 2019 của Bệnh viện Da Liễu Trung ương (Hà Nội), trung bình mỗi ngày đơn vị này khám, phát hiện khoảng 4 ca giang mai. Đáng chú ý, có những em bé chưa đến 1 tuổi đã phát hiện bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khoảng 5 năm gần đây, số bệnh nhân phát hiện dương tính với giang mai tại bệnh viện "rộ lên".
Ngoài ra, báo cáo của Việt Nam cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 6,7% vào năm 2018. Trong khi đó, năm 2008, tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ khoảng 0,89%. Tỷ lệ nhiễm giang mai đang hoạt động ở nhóm mại dâm khoảng 10,8%.
Giang mai là bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.
Xoắn khuẩn giang mai được xác định lần đầu vào năm 1905. Đến nay, các nhà khoa học chưa nuôi cấy được trong môi trường nhân tạo và con người là vật chủ tự nhiên duy nhất.
Năm 1943, kháng sinh Penicillin được tìm ra và sử dụng trong điều trị giang mai. Từ thời điểm này, tỷ lệ mắc bệnh giảm hẳn. Đến cuối thập niên 1990, tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu giảm mạnh.
Tuy nhiên, kể từ sau năm 2000 đến nay, tỷ lệ mắc giang mai có xu hướng tăng dần đều. Đặc biệt, con số này gia tăng mạnh mẽ trong vài năm gần đây tại nhiều khu vực trên toàn cầu.
Theo WHO, việc gia tăng bệnh giang mai trở lại do mọi người dần ít sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nguyên nhân của việc này một phần nhờ sự phát triển của nhiều loại thuốc phơi nhiễm HIV (PrEP).
Nhiều người cho rằng chỉ cần sử dụng thuốc sẽ ngăn chặn sự lây lan HIV mà không cần dùng bao cao su. Tuy nhiên, việc không sử dụng bao cao su có thể thúc đẩy lây lan các bệnh qua đường tình dục, đặc biệt là giang mai.
Giang mai tái xuất trên toàn cầu
Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 7 triệu ca nhiễm giang mai mới vào năm 2020. WHO đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh giang mai vào năm 2030, nhưng phản ứng toàn cầu còn chậm.
Một triệu phụ nữ mang thai mắc giang mai, 661.000 trẻ bị bẩm sinh, 200.000 trường hợp thai chết lưu và tử vong sơ sinh do căn bệnh này.
Trong năm 2019, tỷ lệ nhiễm giang mai ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm khoảng 11,8%. Đáng chú ý, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia.
Theo kết quả nghiên cứu của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Vương quốc Anh) công bố trên tạp chí The Lancet Global Health, tỷ lệ lưu hành bệnh giang mai tổng hợp trên toàn cầu ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới là 7,5% trong giai đoạn 2000-2020 (khoảng tin cậy (CI) 95%: 7-8).
Tỷ lệ mắc bệnh giang mai ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới cao nhất ở những nơi có tỷ lệ lưu hành HIV trên 5% và ở các nước có thu nhập trung bình thấp.
Theo Bloomberg, dữ liệu chính thức mới nhất tại Thái Lan cho thấy quốc gia này chứng kiến sự gia tăng các bệnh lây qua đường tình dục trong nhiều năm qua.
Trong đó, số ca bệnh lậu và giang mai chiếm hơn một nửa số ca mắc năm 2021. Các nhóm tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người 15-19 tuổi và 20-24 tuổi.
Tại Mỹ, các trường hợp mắc bệnh giang mai đã tăng 26% từ 2020 đến 2021 với ít nhất 52.354 ca mắc. Đây là tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất được ghi nhận từ năm 1991, trong khi tổng số ca mắc bệnh đạt mức cao nhất kể từ năm 1948.
Trong khi đó, ở Mỹ, từ năm 2019 đến năm 2020, số ca mắc bệnh giang mai chỉ tăng 7%, theo Wion.
Bất kỳ ai cũng có thể bị giang mai
Bệnh giang mai diễn tiến mạn tính và có thể không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu trong thời gian dài. Ở giai đoạn sớm, đôi khi bệnh chỉ biểu hiện triệu chứng là vết loét ít hoặc không đau.
Theo Washington Post, bất kỳ người có hoạt động tình dục nào cũng có thể mắc bệnh giang mai. Nguy cơ này cao hơn ở những người có nhiều bạn tình,
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cảnh báo nếu không điều trị, giang mai có thể lây lan đến não và hệ thần kinh (giang mai thần kinh), mắt (giang mai mắt) hoặc tai (giang mai tai). Điều này có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của bệnh.
Ở những trường hợp không điều trị, giang mai có thể gây vô sinh ở cả nam lẫn nữ, theo Punchng. Các giai đoạn phát triển bệnh gây tổn thương các cơ quan và dây thần kinh, có thể ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống của cơ thể, bao gồm cả hệ thống sinh sản, gây vô sinh.
Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường khuyến cáo số lượng mắc bệnh đường tình dục ghi nhận tại TP.HCM vẫn rất nhiều qua các năm. Do đó, chúng ta cần chú ý phòng ngừa, thay đổi hành vi nguy cơ để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm quan hệ tình dục an toàn, người trong nhóm nguy cơ cao (nhóm MSM, dùng thuốc phơi nhiễm HIV...) nên xét nghiệm giang mai thường xuyên. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng nên xét nghiệm giang mai để tránh việc lây bệnh từ mẹ sang con.
Theo ZingNews.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Nam giới không có tinh trùng có bị vô sinh?
- Tập thể hình có làm đàn ông… yếu đi?
- 'Cậu nhỏ' cong làm sao cho thẳng?
- Gặp họa bởi dùng máy hút chân không tăng kích cỡ 'cậu nhỏ'
- Tưởng bị thoát vị đĩa đệm, người đàn ông bất ngờ nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
- Uống nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm?
- Bài thuốc đông y điều trị chứng rối loạn cương dương
- Rèn luyện sức khỏe bằng bài tập này, ung thư tuyến tiền liệt không còn là nỗi lo
- Hút thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tinh trùng?
- Đậu phụ có làm suy giảm ham muốn tình dục?
- Nam thanh niên bị mắc kẹt đồ chơi tình dục dài 23 cm
- Nam giới đừng chủ quan khi bị xuất tinh sớm