Chuyển đổi giới tính: Sao phải đợi để được sống là chính mình?
RÀO CẢN
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Đây là nguyên văn Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa 13 thông qua vào ngày 24/11/2015. Một Điều luật đã tạo ra tiếng vang lớn trong xã hội, được xem là bước ngoặt quan trọng đối với việc nhìn nhận của xã hội về giới tính. Từ đây, một cánh cửa pháp lý đã mở ra đối với cộng đồng gần nửa triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam.
Tuy nhiên đã 7 năm với hai khóa Quốc hội kể từ ngày đó thì đến nay, quyền của người chuyển giới vẫn là “quyền treo”. Người chuyển giới vẫn vô hình và là một ẩn số với pháp luật. Do các định kiến trong xã hội, họ thường phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử trên nhiều phương diện.
Mong muốn sở hữu tấm hộ chiếu để thuận tiện cho những chuyến công tác nước ngoài, nhưng Kiều Hồng đã phải ngậm ngùi từ bỏ ngay khi gần chạm đến ước muốn ấy.
Còn với Linh, dù đã sử dụng hoóc môn để dần nữ tính như mình mong muốn và thực hiện đổi tên, nhưng Linh vẫn phải chấp nhận trong các giấy tờ pháp lý ghi giới tính là “Nam”. Điều này khiến Linh cũng như nhiều người chuyển giới khác gặp không ít khó khăn, rắc rối trong cuộc sống, thậm chí là ám ảnh tâm lý.
RỦI RO VÀ HỆ LỤY
Quốc Anh và Linh trong phóng sự vừa rồi là những minh chứng tiêu biểu cho những người dám chấp nhận rủi ro để được trở về chính bản ngã của mình. Nhưng trên con đường đó thật nhiều nghiệt ngã, đơn độc và thậm chí là nguy hiểm. Không thể sẻ chia, không người thấu hiểu và không có hành lang pháp lý bảo vệ cho quyết định của họ.
Từ cái tên, ngoại hình đến giọng nói nếu không do chính Quốc Anh chia sẻ thì không ai nghĩ đây là chàng trai vốn sinh ra là nữ giới. Sự tự tin của Quốc Anh hiện đang là niềm mơ ước của rất nhiều người chuyển giới. Nhưng để có được diện mạo mới, bản thân Quốc Anh đã phải đơn độc vượt qua cuộc đại phẫu thay đổi cuộc đời.
Để được sống với giới tính thực mình mong muốn, nhiều người chuyển giới phải chấp nhận mạo hiểm, chịu đựng đau đơn và cả những rủi ro về sức khỏe, thậm chí tính mạng. Bởi, không ai tư vấn cho họ về tâm lý, y tế để xác định bản thân mình thuộc giới tính nào. Nhiều người đã tự ý tìm đến các cơ sở phẫu thuật chuyển giới trái phép, hoặc thông qua giới thiệu từ các hội nhóm nhiều người đã tự ý mua hormone trôi nổi ngoài thị trường về tiêm hoặc uống.
SAO PHẢI ĐỢI?
Sao phải đợi để được sống là mình? Sao phải đợi để được phẫu thuật tại Việt Nam? Sao phải đợi để được chăm sóc y tế?... những câu hỏi này chính là những thông điệp thu thập được từ một một chiến dịch truyền thông mang tên “Sao phải đợi”, do các các tổ chức cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam khởi xướng và thực hiện. Với những câu chuyện, thông điệp về cộng đồng người chuyển giới từ chiến dịch này đã thôi thúc hơn nữa khát khao được thừa nhận, được bảo vệ của cộng đồng LGBT bằng những cơ sở pháp lý vững chắc nhất.
Năm 2016, Thủ tướng ban hành Quyết định 243 về Kế hoạch triển khai thi hành bộ luật dân sự, trong đó ghi rõ “Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính”, thời gian thực hiện là trong năm 2016-2017. Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính được đưa ra 2017 nhưng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, việc trả lời 2 câu hỏi quan trọng: ai là người chuyển giới ? và có nên ưu tiên làm luật cho một nhóm nhỏ? Đã trở thành vướng mắc lớn nhất khiến dự thảo bị tắc và “nằm yên”.
Năm 2021, Thủ tướng lại ban hành Quyết định 2114, nhắc lại nhiệm vụ này với mốc thời gian mới là 2022-2024. Mặc dù Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ Luật Chuyển đổi giới tính tới cả dự thảo nghị định, thông tư, nhưng dự luật này đến nay vẫn vắng bóng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội.
Là thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng là người có thâm niên trong lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng: không được phép thờ ơ trước quyền của cộng đồng này và cần có một Luật riêng với tên gọi là Luật bản dạng giới.
Sau khoảng thời gian trì hoãn do dịch Covid-19, cuối tháng 6/2022, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật chuyển đổi giới tính. Điều này tiếp tục nhen nhóm những hy vọng của cộng đồng LGBT. Thừa nhận và không trì hoãn quyền của một nhóm cộng đồng dù nhỏ, không chỉ giúp họ thoát khỏi kỳ thị mà còn để họ quyền được sống bình yên như mong ước.
Theo quochoitv.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới