LGBT và sự thấu cảm
Vài điều về LGBTQ+
LGBTQ+ là cụm từ viết tắt của các chữ cái đầu gồm: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (lưỡng tính), Transgender (chuyển giới) và Queer (dị tính hay với nghĩa rộng hơn là bất cứ cái gì được coi là “lệch chuẩn”). Đây là tên viết tắt được chính thức xác nhận vào năm 1990 của cộng đồng những người có giới tính đặc biệt. Những người này thường bị hấp dẫn về tình yêu, tình dục với những người cùng giới tính.
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu xã hội, kính tế và môi trường (iSEE), Việt Nam đang có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. Kết quả từ báo cáo tổ chức y tế thế giới thì khoảng 3% dân số có thiên hướng tình dục đồng tính. Trong điều tra quốc gia của 2.340 MSM thực hiện bởi iSEE, 63,4% nhận mình là người đồng tính; 17,7% nhận mình là người song tính, 11% nhận mình là “không xác định” và 3,8% nhận mình là người dị tính. Và mặc dù trong những năm gần đây xã hội Việt Nam đã có cái nhìn thoáng hơn về cộng đồng người đồng tính và chuyển giới, nhưng đâu đó đây vẫn còn có những người thuộc cộng đồng này bị chế giễu, phân biệt đối xử và thậm chí là bị “cô lập”.
Từ góc nhìn của những người “trong cuộc” …
Khi được hỏi về điều này, Ngô Hà My (tên cũ: Ngô Hiếu Trung Kiên, 21 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – người thuộc cộng đồng LGBT chia sẻ: “lúc mới công khai giới tính thật của bản thân thì gia đình khá là bất ổn, tôi đã phải sống trong tiếng mắng chửi của gia đình trong khoảng thời gian đó. Phản ứng thầy cô trên trường lớp cũng giống gia đình, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm dạy, cô hay lời qua tiếng lại với các học sinh khác, thậm chí đề cập đến điểm số mình để không ai chơi cùng. Dần dà thì các bạn trong lớp cũng xa lánh, dường như cô lập và tẩy chay tôi”.
Tương tự, Bùi Phương Nam (23 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho hay: “tôi bắt đầu công khai giới tính thật của mình khi bước vào mối tình đầu với một bạn nam khác và được bạn bè ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình thế nhưng chưa dám công khai với gia đình. Không biết có thể nói là áp lực không nữa vì mỗi khi mẹ tôi hỏi thích bạn nào chưa, tôi cảm thấy khá lúng túng và thường trả lời là chưa. Mỗi khi nói dối tôi thường cảm thấy khá bứt rứt trong lòng và cảm thấy hiện tại chưa là lúc thích hợp để công khai với gia đình”.
Em Nguyễn Thùy Linh (18 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho hay: “Em cảm thấy rất khó khăn và áp lực khi đối mặt với gia đình và nói về giới tính của mình. Mặc dù bây giờ xã hội đã hiện đại và cởi mở hơn với những người như em nhưng khi phải công khai với người thân thì đó lại là một chuyện khác”.
Khi được hỏi về điều này, chuyên gia tâm lí Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ: “Đại đa số những ca tư vấn tâm lí LGBT thì chính các bạn ấy là người tổn thương nhiều nhất, các em ấy khó khăn trong việc nói đến giới tính của mình và cũng khó xác định rằng mình thích ai, vì có những em thích người đồng giới, có những em lại có xu hướng thích cả hai giới, … Hơn hết, các em còn khó chịu khi thể hiện cảm xúc và tình cảm của mình ra bên ngoài, dần dà những dấu hiệu này sẽ gây ra những hệ lụy đáng buồn về mặt thể chất và tinh thần”.
Khi xã hội còn những định kiến, còn những phân biệt thì họ - những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ cũng sẽ không bao giờ được sống thoài mái như những người bình thường khác. Sở dĩ có những định kiến này xuất phát tự sự nhận thức của những người không hiểu biết rõ về LGBT. Chuyên gia tâm lí Nguyễn Ngọc Hoàng (đã có kinh nghiệm 11 năm trị liệu tâm lí, hiện là giám đốc điều hành chính của trung tâm Dr.Psy) chia sẻ: “Có rất nhiều trường hợp khi một đứa trẻ thể hiện xu hướng tính dục của mình khác đi so với xu hướng tính dục mà cha mẹ cho là bình thường thì họ thường đưa con em mình đi đến những trung tâm điều trị tâm lí để “chữa” cho con mình trở lại, hay nói cách khác là mong muốn những chuyên gia tâm lí làm cách nào đó thay đổi nhận thức của con mình về giới tính, giúp các bạn quay trở lại với giới tính thực mà mình đang có. Cũng có thể phần nào đồng cảm với các bậc phụ huynh có con em mình là LGBTQ+ vì nguyên nhân xuất phát một phần nằm ở những định kiến ở xã hội khi chỉ cho sự tồn tại của nam và nữ (giống đực, giống cái) là tuyệt đối. Phần vì họ chưa nắm bắt được thông tin một cách cụ thể và rõ ràng, chưa hiểu đồng tính cũng là một xu hướng tính dục tự nhiên hoặc sợ bị nhận những ánh mắt phán xét, di nghị của xã hội về gia đình”.
Chuyên gia tâm lí Nguyễn Ngọc Hoàng
Cho tới góc nhìn của những người “ngoài cuộc” …
Sự kì thị, phân biệt đối xử mà những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt khiến họ gặp nhiều khó khăn, trở ngại ở nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống. Thế nhưng ít ai biết rằng những người ngoài cuộc, cụ thể ở đây là những người không nằm trong cộng đồng LGBTQ+ cũng có những cảm xúc, suy nghĩ riêng. Khi được hỏi về điều này, anh Ngọc Hoàng chia sẻ: “Đa số những ca mà tôi tư vấn tâm lý LGBT thì người cần tư vấn lại là phụ huynh. Tôi đã tiếp nhận những ca bệnh mà phụ huynh khi biết con mình theo xu hướng tính dục LGBTQ+ thì họ tỏ ra tự trách bản thân, mệt mỏi, khó chịu, chán nản và tự đổ lỗi cho bản thân là do mình nên con mới “bị” như vậy. Nhiều phụ huynh thậm chí còn rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lí, mắc chứng rối loạn lo âu”.
Ngày 17/5/1990, tổ chức y tế thế giới đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách những bệnh tâm thần, đặc biệt trong bảng phân loại tâm thần quốc tế IDC10 cũng đã loại bỏ đồng tính và chuyển giới ra khỏi chương bệnh rối loạn tâm thần và hành vi. Ngoài ra trong công văn 4123/BYT-PC của bộ y tế Việt Nam cũng khẳng định đồng tính, song tính và chuyển giới không phải bệnh, do đó đồng tính không thể “chữa” và không cần “chữa”. Chuyên gia Ngọc Hoàng cũng bày tỏ quan điểm: “Thực chất, các bạn LGBT không phải là người quyết định hoàn toàn giới tính của mình. Có rất nhiều yếu tố tác động đến việc hình thành xu hướng tính dục và giới tính của một người. Đó có thể là do mã gen quy định, cấu tạo của não, chức năng sinh học hoặc do môi trường giáo dục, … Vì vậy nếu chỉ cho rằng các bạn LGBT có xu hướng tính dục thôi thì cũng không hằn, mà do cấu tạo của não bộ đã quy định các bạn có dễ dàng rơi vào xu hướng tính dục khác hay không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng LGBT không phải là một loại bệnh, và việc đưa con em mình đi “chữa trị” là điều không cần thiết”.
Nhìn một cách đa chiều hơn thì chính những người LGBT không phải là những người duy nhất gặp trở ngại, khó khăn trong chuyện này. Ngay cả những người thân của họ cũng phải trải qua rất nhiều áp lực, khó khăn để “làm quen” khi tiếp xúc với con mình. Cần hiểu rằng, phụ huynh là những lớp người sinh ra và lớn lên ở các thế hệ trước, khi mà những định kiến của xã hội còn rõ rệt và kiến thức về cộng đồng còn rất hạn chế. Vì vậy họ cần phải có thời gian để thực sự tiếp cận và thấu hiểu con em của mình hơn.
Phá bỏ lối mòn định kiến
Hiện tại khi truyền thông đã vô cùng phát triển thì việc “kì thị, ghét bỏ” với những người đồng tính đã không còn là vấn đề quá gay gắt, nhưng không vì thế mà những nỗi băn khoăn, lo âu của những người “ngoài cuộc” sẽ giảm bớt. Vì vậy, chìa khóa quan trọng để cân bằng những khó khăn ấy chính là sự thấu hiểu và sẻ chia. “Bố mẹ khi biết con mình là LGBT nên chia sẻ và dành thời gian để tâm sự với con, cùng tìm kiếm thông tin xem đâu là thông tin hữu ích để biết và lựa chọn con đường tương lai đúng đắn cho con, cũng như quyết định xem con có thực sự cần phẫu thuật chuyển giới không hay chỉ cần tiêm hoocmon để đáp ứng nhu cầu tâm lí của con mình. Đồng thời còn phòng chống các bệnh và nguy cơ khác khi các bạn “tự ý” tìm kiếm một cơ sở nào đấy để phẫu thuật”.
Ngày nay cũng có những cộng đồng hay tổ chức xã hội đã và đang tổ chức các hoạt động liên quan đến việc góp phần nâng cao nhận thức xã hội về LGBT. Tiêu biểu như chiến dịch Leave with Pride do Viện iSEE chính là liều thuốc chữa lành cho tất cả mọi người đến từ cộng đồng LGBT, chiến dịch được phát động vào năm 2021 với tôn chỉ hướng tới việc thay đổi những tư tưởng tiêu cực của người Việt đối với người LGBTQ+, cũng như chứng minh sự nghịch lý của định kiến “bệnh lý hóa LGBTQ+” bằng cách kêu gọi mọi người kí vào đơn kiến nghị gửi đến WHO và đã được rất nhiều người hưởng ứng.
Không chỉ dừng ở đó, các chương trình tình hình thực tế và game show về cộng đồng LGBT cũng được thực hiện. Ví như chương trình Come Out của MCV, Người ấy là ai,… đều là những chương trình góp phần thay đổi nhận thức cho xã hội về cộng đồng. Bên cạnh đó, để cung cấp thêm những thông tin kiến thức thiết yếu về cộng đồng LGBTQ+, một số app ứng dụng chăm sóc sức khỏe được ra đời tiêu biểu như Dr.Psy, AiHealth, …
Tất cả những việc làm, hành động ấy đều được rất nhiều hưởng ứng nhiệt liệt, đó như một chiếc chìa khóa vạn năng để giúp mở những cánh cửa khép kín giữa những người được coi mang giới tính bình thường và những người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Tất cả đều chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn, một xã hội – cộng đồng bình đẳng và bác ái.
Theo vanhoavaphattrien
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới