Lưu ý trước khi đi khám nam khoa
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khám nam khoa là một việc làm cần thiết giúp phái mạnh theo dõi được tình trạng sức khỏe sinh lý của mình. Quá trình này gồm nhiều bước, với mục tiêu khám và chẩn đoán, đề ra phác đồ điều trị bệnh đối với từng bệnh nhân.
1. Khám nam khoa là khám những gì?
Khám nam khoa là khám về cơ quan sinh dục và khả năng sinh lí của nam giới nhằm phát hiện sớm những tổn thương, u nhú, kiểm tra sức khỏe sinh sản có tốt hay không.
Vì vậy, bạn nên khám nam khoa 6 tháng/ lần để đảm bảo sức khỏe là tốt nhất.
2. Tại sao cần đi khám nam khoa định kỳ?
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bằng kinh nghiệm cá nhân hay tự mình tìm hiểu kiến thức cũng chưa chắc chẩn đoán được đúng bệnh, vì vậy, việc đến phòng khám nam khoa thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm sẽ giúp cho các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chính xác nhất tình trạng sức khỏe cũng như bệnh lý phát sinh tại bộ phận sinh dục của nam giới.
Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh nam khoa sẽ nặng hơn và có những chuyển biến xấu, có thể gây vô sinh và nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bản thân. Vì thế, chúng ta không thể coi thường bất kỳ bệnh nào, nên việc khám nam khoa định kỳ sẽ giúp chúng ta biết được tình trạng sớm, điều trị dễ dàng và cho hiệu quả như ý.
3. Trước khi khám nam khoa cần làm những gì?
Để bác sĩ thăm khám thuận lợi và bạn không mất công đi lại bệnh viện nhiều lần thì trước khi đến phòng khám nam khoa bạn cần phải chuẩn bị những gì? Các chuyên gia Nam học cho biết, nam giới phải chuẩn bị tốt những điều sau:
- Chuẩn bị về tâm lý
Khám nam khoa là một trong những vấn đề nhạy cảm như: xuất tinh sớm, cắt bao quy đầu, yếu sinh lý, niệu đạo,... đa phần đàn ông đều có tâm lý e ngại khi đề cập đến vấn đề này. Và nếu mãi giữ tâm lý này đi khám bệnh thì sẽ là rào cản trong quá trình bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Vì vậy, nam giới phải gạt bỏ sự e ngại, nắm vững nguyên tắc thẳng thắn và cởi mở nói những vấn đề bản thân đang gặp phải. Coi bác sĩ như người bạn để chia sẻ có như vậy bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán chính xác hơn.
- Thực hiện 2 “không”
Không uống nhiều nước trước khi đi khám: Đây là nguyên tắc cần ghi nhớ, nếu bạn nghi ngờ mắc bệnh do viêm đường tiết niệu thì phải nhịn tiểu 8h để xét nghiệm đạt kết quả chính xác.
Không quan hệ tình dục hoặc thủ dâm trước khi đi khám nam khoa nhất là khi đi khám rối loạn cương dương hoặc vô sinh. Phải kiêng xuất tinh khoảng từ 5-7 ngày để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh chính xác.
- Chuẩn bị giấy tờ liên quan
Nên chuẩn bị giấy tờ liên quan đến tình trạng sức khỏe mang đi để bác sĩ tiện theo dõi khám bệnh. Kể cho bác sĩ nghe về các loại thuốc mình đang sử dụng.
Trung thực trả lời các vấn đề mà bác sĩ đề cập đến như: Bệnh có biểu hiện gì? Bệnh xuất hiện từ lúc nào, như thế nào? Bệnh nhân đã uống thuốc nào hay chưa?
- Cần vệ sinh sạch sẽ trước khi đi khám
Trước khi đi khám nhất định bạn phải tắm rửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhất là ở vùng kín. Điều này sẽ khiến bạn tự tin hơn, giảm nguy cơ viêm nhiễm trong khi thăm khám. Tuy nhiên không dùng sản phẩm hoặc xà phòng có tính tẩy rửa mạnh ảnh hưởng xấu đến tổn thương, vết trợt hoặc loét.
Khi đi khám nên mang bạn tình đi khám, vì nhiều bệnh nam khoa lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà hoặc mụn rộp sinh dục.
Ngoài ra bạn nên chuẩn bị sẵn chi phí khám nam khoa gồm có: chi phí mua sổ khám, xét nghiệm, chi phí mua thuốc. Mặc trang phục rộng rãi, phù hợp để thuận tiện cho quá trình thăm khám.
Tìm hiểu địa chỉ phòng khám nam khoa, các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa nam học để chọn được nơi uy tín, chất lượng nhất.
4. Quy trình khám nam khoa
Bước 1: Kiểm tra các chỉ số cơ bản của cơ thể và khám bên ngoài bộ phận sinh dục. Nam giới sẽ được các bác sĩ tư vấn nam khoa kiểm tra các chỉ số cơ bản của cơ thể bao gồm: Chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim.
Bước 2: Khám tập trung tại bộ phận sinh dục
Ban đầu, các bác sĩ chuyên khoa sẽ khám bên ngoài bộ phận sinh dục của nam giới để kiểm tra xem có tồn tại tổn thương, viêm loét hoặc u cục nào không? Điều này giúp họ phát hiện được các căn bệnh viêm nhiễm nam khoa hoặc bệnh xã hội. Tiếp đến, kiểm tra tinh hoàn xem có bị ẩn hay không? Có xuất hiện khối u tại tinh hoàn hay không?
Bước 3: Tiến hành xét nghiệm
Đây là bước vô cùng quan trọng trong quá trình khám nam khoa. Bởi các xét nghiệm này sẽ làm sáng tỏ những nghi ngờ, khúc mắc của các bác sĩ chuyên khoa trong quá trình khám bên ngoài bộ phận sinh dục trước đó. Đồng thời, giúp họ đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất. Một số xét nghiệm mà bạn bắt buộc phải thực hiện như sau:
- Xét nghiệm và phân tích tinh trùng, tinh dịch
Xét nghiệm tinh dịch đồ là một trong những xét nghiệm quan trọng nhất để biết được khả năng sinh lý của đàn ông. Khi làm xét nghiệm này, bác sĩ kiểm tra, đánh giá số lượng tinh trùng, chuyển động, hình dáng và biến đổi. Nếu số lượng tinh trùng cao hơn số lượng trung bình của nam giới thì khả năng sinh sản của nam giới đó cao hơn.
Nhưng có không ít quý ông có tinh trùng thấp, bất thường hoặc tinh trùng yếu vẫn có khả năng sinh sản. Có khoảng 15% đàn ông bị vô sinh mặc dù tinh dịch bình thường.
Nếu phân tích tinh dịch lần đầu tiên thấy kết quả bình thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu thử nghiệm lần thứ hai để chẩn đoán được chính xác nhất. Nếu kết quả 2 lần đều bình thường thì kết luận bạn không có vấn đề sinh lí hoặc vô sinh. Còn nếu phát hiện kết quả bất thường thì bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để làm rõ hơn.
- Đánh giá hormone
Bác sĩ sẽ đưa ra một số kết luận có liên quan đến hormone. Đo kích thước tinh hoàn. Có thể phát hiện giãn tĩnh mạch trên của tinh hoàn, nguyên nhân phổ biến dẫn đến vô sinh ở nam giới.
Đánh giá lượng hormone sinh dục nam testosterone và nhiều hormone được hình thành trong não để kiểm soát quá trình sản sinh tinh trùng. Tuy nhiên hormone không phải là vấn đề lớn dẫn đến đàn ông vô sinh.
- Kiểm tra di truyền ở nam giới
Một số xét nghiệm đặc biệt về di truyền sẽ giúp bác sĩ xác định được những trở ngại đặc biệt liên quan đến sức khỏe sinh sản, vấn đề về tinh dịch, tinh trùng ở nam giới.
- Kiểm tra các kháng thể chống lại tinh trùng
Đây là xét nghiệm quan trọng quá trình khám nam khoa để phát hiện được nam giới có vấn đề sinh lý. Về mặt tự nhiên, cơ thể nam giới có những kháng thể bất thường để chống lại tinh trùng của bản thân sản sinh ra. Những kháng thể này sẽ tấn công tinh trùng khi chúng đang “bơi” đến với trứng, ngăn cản việc thụ tinh.
Có thể hiểu là nam giới có thể sản sinh ra tinh trùng nhưng tinh trùng lại không tới được nơi cần đến mặc dù tinh trùng hoàn toàn bình thường khi ở tinh hoàn.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khiến lượng tinh trùng của quý ông giảm đi mặc dù vấn đề sản xuất tinh trùng hoàn toàn bình thường:
- Do xuất tinh ngược dòng: Có thể hiểu trường hợp này là tinh trùng xuất tinh ngược vào bàng quang, do bạn thực hiện một cuộc phẫu thuật nào đó trước đây.
- Hệ thống ống dẫn của tinh hoàn, dương vật của bạn có vấn đề.
- Thiếu các ống dẫn tinh trùng: Vấn đề di truyền, có những người đàn ông sinh ra đã không có đường ống dẫn chính cho tinh trùng.
- Chất kháng thể chống tinh trùng: Chất này tấn công, ngăn cản tác tinh trùng đến gặp trứng.
Có đến 25% nam giới vô sinh là do tinh trùng bất thường hoặc tinh trùng thấp mà không biết nguyên nhân do đâu.
Ngoài ra bệnh nhân sẽ phải thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và dịch niệu đạo. Khám riêng bộ phận sinh dục để phát hiện tổn thương, dấu hiệu bệnh xã hội, tinh hoàn có bị ẩn hoặc khối u không.
5. Đi khám nam khoa ở đâu?
Quá trình khám nam khoa sẽ giúp bạn phát hiện một số căn bệnh như viêm đường tiết niệu, viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm bao quy đầu, viêm tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, viêm tuyến tiền liệt... hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Từ đó, có các hướng điều trị kịp thời để hạn chế tối đa những biến chứng mà căn bệnh đó gây ra cho sức khỏe của nam giới.
Tuy nhiên, việc đi khám nam khoa ở đâu để chất lượng không chỉ giúp nam giới yên tâm mà còn là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị.
Theo vinmec.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Nam giới không có tinh trùng có bị vô sinh?
- Tập thể hình có làm đàn ông… yếu đi?
- 'Cậu nhỏ' cong làm sao cho thẳng?
- Gặp họa bởi dùng máy hút chân không tăng kích cỡ 'cậu nhỏ'
- Tưởng bị thoát vị đĩa đệm, người đàn ông bất ngờ nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
- Uống nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm?
- Bài thuốc đông y điều trị chứng rối loạn cương dương
- Rèn luyện sức khỏe bằng bài tập này, ung thư tuyến tiền liệt không còn là nỗi lo
- Hút thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tinh trùng?
- Đậu phụ có làm suy giảm ham muốn tình dục?
- Nam thanh niên bị mắc kẹt đồ chơi tình dục dài 23 cm
- Nam giới đừng chủ quan khi bị xuất tinh sớm