Thị trấn trả giá sau tuyên bố cấm người đồng tính
Tháng 5/2019, khi các ủy viên hội đồng địa phương của Krasnik - một thị trấn nhỏ nằm ở phía Đông Nam Ba Lan - thông qua nghị quyết tuyên bố nơi này trở thành "vùng nói không với người đồng tính", hầu hết đều nghĩ hành động này vô hại.
Gần hai năm về sau, Wojciech Wilk, thị trưởng của thị trấn, vẫn đang loay hoay tìm cách giảm thiểu mức độ thiệt hại từ hành động này, theo New York Times.
Thị trấn Krasnik nằm ở phía Đông Nam của Ba Lan. |
Nhiều nơi trong châu Âu đã quay lưng với Krasnik và hàng triệu USD tiền tài trợ cho việc duy trì hạ tầng giao thông, chương trình dành cho thanh thiếu niên địa phương đã biến mất.
Trong đó, chương trình dành cho thanh thiếu niên được coi là quan trọng vì ngày càng nhiều người trẻ rời bỏ thị trấn, tìm đến các thành phố lớn hơn.
Bị nhiều nơi quay lưng
Năm ngoái, một thị trấn của Pháp cắt đứt quan hệ đối tác với Krasnik để phản đối. Tháng 9 năm ngoái, Na Uy, nơi đáng nhẽ ủng hộ thị trấn 10 triệu USD cho các dự án phát triển, cũng từ chối cấp tiền cho bất kỳ thị trấn nào ở Ba Lan "cấm người đồng tính".
Để đối phó với một loạt các tuyên bố "vùng không có LGBT" ở nhiều thị trấn trên khắp Ba Lan, Liên minh châu Âu EU, trong đó Ba Lan cũng là thành viên, thông báo sẽ cắt mọi khoản tài trợ cho nơi nào vi phạm cam kết của khu vực về vấn đề bình đẳng.
“Chúng tôi đã trở thành trò cười của châu Âu. Chính các công dân, chứ không phải chính trị gia địa phương, mới là người phải chịu hậu quả nhiều nhất”, ông Wilk than thở.
Kể từ nghị quyết "không có người đồng tính", thị trấn của Ba Lan mang tiếng là nơi kỳ thị cộng đồng LGBT, điều mà thị trưởng khẳng định là không chính xác và họ chỉ đang cố bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống.
Cezary Nieradko, người đồng tính ở Krasnik, chuyển đến sống ở thành phố khác, nơi tư tưởng kỳ thị LGBT không gay gắt bằng. |
Thị trưởng của Krasnik lo lắng nếu không hủy bỏ nghị quyết, ông không dám đảm bảo nơi mình quản lý sẽ có được nguồn vốn tài trợ nước ngoài cần thiết.
"Lập trường của tôi đã rõ ràng: Tôi muốn bãi bỏ danh xưng này của thị trấn vì nó có hại cho các cư dân", ông Wilk nói.
Nhưng vào năm ngoái, hội đồng 21 thành viên tại Krasnik đã bỏ phiếu chống lại việc bãi bỏ nghị quyết cũ. Gần đây, một cuộc bỏ phiếu khác cũng có kết quả thất bại.
Chỉ 1 thành viên công khai lên tiếng, sẵn sàng đổi phe. "Tôi đã phạm sai lầm", thành viên tên Pawel Kurek cho hay. Ở cuộc bỏ phiếu đầu, Kurek bỏ phiếu trắng, nhưng bây giờ nói rằng nghị quyết là ngu ngốc và nên bị hủy bỏ.
Đối mặt với việc mất các khoản trợ cấp từ nước ngoài, một số thị trấn khác ở Ba Lan từng tuyên bố “cấm người đồng tính” đã thay đổi quan điểm trong những tháng gần đây.
Nhà hoạt động Bartosz Staszewski cầm tấm bảng ghi dòng chữ "vùng không có người đồng tính". |
Cezary Nieradko, một sinh viên 22 tuổi, tự mô tả mình là “người đồng tính công khai duy nhất” ở Krasnik. Anh kể lại sau khi thị trấn thông qua nghị quyết, dược sĩ địa phương đã từ chối bán thuốc cho mình.
Nieradko gần đây đã chuyển đến thành phố Lublin gần đó, nơi hội đồng khu vực có thông qua nghị quyết “nói không với cộng đồng LGBT” nhưng cư dân nhìn chung có tư tưởng cởi mở hơn.
"Tôi không cần tiền tài trợ"
Trong khi nhiều người lớn tuổi muốn thị trấn của họ “nói không với giới LGBT”, những người trẻ ở lại tỏ ra lo ngại. Amanda Wojcicka, một nhân viên cửa hàng tiện lợi 24 tuổi, cho biết việc kỳ thị người đồng tính là đáng xấu hổ.
Nhưng với Jan Chamara, một cựu công nhân xây dựng 73 tuổi, cho biết ông thà sống bằng chế độ ăn kiêng chỉ có khoai tây còn hơn là chịu áp lực kinh tế từ bên ngoài để từ bỏ nghị quyết.
“Tôi không muốn tiền của họ,” ông Chamara nói, cho biết mình chưa bao giờ gặp người đồng tính ở Krasnik nhưng vẫn cảm thấy cần phải đề phòng.
Năm ngoái, Bartosz Staszewski, một nhà hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBT từ thủ đô Warsaw, đem theo tấm bảng ghi dòng chữ "vùng không có người đồng tính" đến check-in ở bảng tên của nhiều thị trấn rồi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.
Các "vùng không có LGBT", được hỗ trợ bởi các quyết định do hội đồng các địa phương thông qua, được cho là chiếm khoảng một phần ba ở Ba Lan. |
Hành động mà người này gọi là “nghệ thuật trình diễn” khiến Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tức giận, còn một số thị trấn đệ đơn kiện nhà hoạt động này.
Thị trấn Krasnik đã nổi tiếng đến mức một bộ trưởng của Pháp chịu trách nhiệm về các vấn đề châu Âu từng bày tỏ muốn đến thăm nơi này trong chuyến thăm chính thức Ba Lan để thể hiện sự chống lại tình trạng phân biệt đối xử.
Ở cấp độ quốc gia, Jaroslaw Kaczynski, người đứng đầu ngành Tư pháp Ba Lan, nói với tờ Gazeta Polska vào tuần trước rằng nước này cần dẹp bỏ những ý tưởng như người đồng tính làm suy yếu sức mạnh phương Tây và chống lại các giá trị truyền thống.
Đối với thị trưởng của Krasnik, tình hình lộn xộn là một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bỏ việc gắn tên tuổi thị trấn với người đồng giới hay bất kỳ ai khác.
Nhưng với Jan Albiniak, người chịu trách nhiệm viết nghị quyết hai năm về trước, cho hay vẫn sẽ chống lại những nỗ lực ủng hộ cộng đồng người đồng giới đến cùng.
"Nếu bỏ phiếu bãi bỏ, tôi sẽ tự chống lại chính mình", người này khẳng định.
Theo ZingNews
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Mỹ nam "Móng vuốt" hé lộ về vai diễn đồng tính "yêu thầm" Tuấn Trần
- Hai nam chính MV LGBT huyền thoại Kpop tái hợp, thêm một siêu phẩm đam mỹ sắp ra mắt?
- Cha mẹ làm gì khi một ngày biết con 'kết bạn' cùng giới, thuộc cộng đồng LGBT?
- Sống ở TP.HCM: Tây Thy bán bắp nướng trả ơn 'TP.HCM tốt với cộng đồng LGBT'
- Tú Tri bất ngờ chuyển hướng hát cải lương hậu ly hôn chồng đạo diễn LGBT
- Đám cưới nổi tiếng Cần Thơ: Hai chú rể gắn bó 7 năm, nhan sắc cực phẩm
- Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT
- Kristen Stewart lột xác với hình tượng 'nam tính hóa' trong phim về LGBT
- Thái Lan mở đường cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
- Nam diễn viên Vbiz đang hẹn hò đồng giới với một người mẫu?
- Mong cái nhìn đồng cảm với người chuyển giới
- Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về hôn nhân đồng giới