CÔNG TY TNHH GIA TỘC RỒNG

Vươn Tầm Đỉnh Cao

Việc công nhận người chuyển giới theo Bộ luật Dân sự năm 2015

Trao đổi với chúng tôi về các nội dung trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) phân tích: LGBT (tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender).

Ở Việt Nam hiện nay mới có Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Điều 37 quy định về quyền chuyển giới của cá nhân: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Như vậy, bất kỳ cá nhân nào có nhu cầu thì đều có quyền được chuyển đổi giới tính và được Nhà nước công nhận bằng cách đi đăng ký thay đổi hộ tịch.

Tại Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền thay đổi tên của cá nhân nếu đã “xác định lại giới tính” đối với người đã chuyển đổi giới tính. Việc thay đổi tên của cá nhân sẽ không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ. Theo đó, điểm c, khoản 2, Điều 3, Luật Hộ tịch năm 2014 cũng quy định về việc ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi cá nhân xác định lại giới tính; tại khoản 1, Điều 23, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trong đó có trường hợp cấp lại do “xác định lại giới tính”.

Có thể thấy pháp luật Việt Nam đã có những điều khoản quy định cho người chuyển giới thay đổi thông tin cá nhân của mình sau khi đã chuyển giới, đồng thời đảm bảo các quyền và nghĩa vụ trước đó không bị mất đi. Đây có thể xem là sự công nhận của Nhà nước đối với những người đã chuyển giới.

Chỉ được công nhận chuyển đổi giới tính khi cá nhân đó đã có sự can thiệp của y học để xác định rõ ràng về giới tính. Điều này có nghĩa, nếu người nào chưa phẫu thuật để xác định lại giới tính thì không được đăng ký lại hộ tịch (thay đổi họ tên và giới tính). Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi, nghĩa là họ sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo đúng như giới tính mới, bao gồm: Quyền kết hôn với người khác giới, quyền nhận con nuôi…

Đối chiếu quy định pháp luật, Nhà nước chỉ cấm kết hôn đồng giới, còn trường hợp cá nhân chuyển giới để xác định lại rõ ràng về giới tính với sự can thiệp của y học, thì vẫn có thể sẽ được kết hôn nếu việc kết hôn với người khác giới tính (không phải kết hôn đồng giới), họ sẽ được đảm bảo các quyền của một công dân; theo quy định tại khoản 2, Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

“Hiện tại chỉ mới có Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chung về vấn đề chuyển giới, mà chưa có thêm bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết về trình tự, thủ tục chuyển đổi giới tính. Do đó việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam trên thực tế sẽ còn mất một thời gian khá dài nữa để được thực hiện phổ biến trong thực tế, nhằm phù hợp với thực tiễn và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người dân. Ngoài ra, pháp luật chỉ công nhận chuyển giới khi có sự can thiệp của y học dể xác định giới tính rõ ràng, nên đối với những người không có điều kiện về tài chính thì việc chuyển giới vẫn chỉ là một mong muốn, nguyện vọng của họ” – Luật sư Hà Thị Khuyên nói./.

 
Kim Chiến
Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi
SMS