Xuất tinh chậm: Nguyên nhân, điều trị
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Xuất tinh chậm là hiện tượng người nam giới phải tốn một thời gian dài kích thích tình dục để đạt được cực khoái và sau đó xuất tinh. Đây là một trong những dạng của rối loạn xuất tinh, tuy không quá phổ biến như xuất tinh sớm nhưng cũng không phải hiếm gặp.
1. Xuất tinh chậm là gì?
Xuất tinh ở nam giới là sự kết thúc trong một cuộc giao hợp với bạn tình của họ. Thời gian từ lúc bắt đầu giao hợp đến lúc xuất tinh khoảng từ 5 đến 15 phút. Trong thời gian đó, để người đàn ông có thể đạt đến khoái cảm thì cơ thể cần trải qua một chuỗi phức tạp những hiện tượng khác nhau để rồi xuất tinh. Trong giai đoạn cuối, cần ít nhất 3 hiện tượng liên tiếp để cơ thể người nam giới có thể tiết ra tinh dịch, tạo áp lực trong túi tinh, sau đó tống xuất và phóng tinh ra ngoài.
Xuất tinh chậm ở nam giới là khi người đàn ông mất khả năng xuất tinh theo mong muốn của họ dù đã đủ các điều kiện như ham muốn tình dục, sự kích thích tình dục, dương vật đủ cương cứng.
Xuất tinh chậm xảy ra trong trường hợp giao hợp với bạn tình và cả trong trường hợp thủ dâm. Loại rối loạn xuất tinh này dẫn đến việc phải mất nhiều thời gian hơn để có thể xuất tinh được, kết quả là người đàn ông có cảm giác mệt mỏi nhưng vẫn chưa thể xuất tinh theo ý muốn. Đối với một số trường hợp xuất tinh muộn, người đàn ông có thể không xuất tinh được mặc dù đã đạt tới cực khoái trong cuộc giao hợp hay thủ dâm. Trong những loại rối loạn xuất tinh thì xuất tinh muộn chiếm 2- 6%.
2. Tại sao không xuất tinh được?
2.1 Nguyên nhân tâm lý
Những vấn đề tâm lý dẫn đến xuất tinh chậm như:
- Trầm cảm, lo âu, tự ti, mặc cảm;
- Lo lắng về hiệu suất giao hợp;
- Cảm giác sợ có thai;
- Giảm hưng phấn tình dục do bạn tình không đủ kích thích; sợ hãi, hoặc có những mâu thuẫn trong mối quan hệ với bạn tình;
- Những mối bận tâm về phong tục hay tôn giáo;
- Sự khác nhau khi quan hệ tình dục trên thực tế và những hình ảnh quan hệ tình dục trong tưởng tượng.
2.2 Nguyên nhân thực thể
Nguyên nhân thực thể gây ra xuất tinh muộn rất nhiều, bao gồm:
- Dị tật bẩm sinh trong hệ thống sinh sản của người đàn ông gây ảnh hưởng trong quá trình quan hệ tình dục;
- Bị tổn thương những dây thần kinh ở vùng đáy chậu nên không thể kiểm soát cảm giác cực khoái;
- Những bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu;
- Đã trải qua phẫu thuật tuyến tiền liệt như phẫu thuật cắt bỏ nhiếp hộ tuyến của tiền liệt tuyến hay cắt bỏ tiền liệt tuyến;
- Những bệnh lý gây tổn thương thần kinh như tiểu đường, đột quỵ;
- Những vấn đề về hormone như nội tiết tố tuyến giáp thấp, testosterone thấp;
- Bệnh lý xuất tinh ngược, tinh dịch đi vào bàng quang mà không ra khỏi dương vật;
- Chấn thương cột sống;
- Phẫu thuật hạch bạch huyết lớn;
- Sử dụng ma túy, nghiện rượu cũng góp phần dẫn đến xuất tinh chậm;
- Do dùng thuốc kháng adrenergic, chẳng hạn như thuốc điều trị hiện tượng xuất tinh sớm ở nam giới, thuốc ức chế alpha, thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin cũng có ảnh hưởng gây xuất tinh muộn.
3. Biểu hiện xuất tinh chậm
Những biểu hiện cũng như dấu hiệu xuất tinh chậm bao gồm:
- Người đàn ông cần khoảng 30 phút hoặc nhiều hơn những kích thích tình dục để đạt được cực khoái và xuất tinh;
- Có thể không xuất tinh được;
- Mệt mỏi, kích thích, mất cương cứng khi đang trong quá trình giao hợp;
- Kích thước, mật độ 2 tinh hoàn teo lại;
- Sờ không thấy ống dẫn tinh ở 2 bên.
4. Điều trị xuất tinh chậm
Khi điều trị xuất tinh chậm cần phải tìm hiểu nguyên nhân của việc xuất tinh chậm là do tâm lý hay thực thể, từ đó sẽ có cách điều trị phù hợp.
4.1 Điều trị tâm lý
Đối với điều trị xuất tinh chậm bằng tâm lý, ban đầu bác sĩ phải tạo cho bệnh nhân một không khí thoải mái và cởi mở nhưng vẫn tế nhị để xây dựng niềm tin ở bệnh nhân nhằm việc điều trị đạt hiệu quả nhất. Điều trị tâm lý là tư vấn, giúp bệnh nhân giải quyết được những vấn đề sức khỏe, tâm lý tình dục, cảm giác căng thẳng, lo âu trong cuộc sống và trong đời sống tình dục.
4.2 Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc để điều trị xuất tinh chậm cần tuân theo nguyên tắc là tăng quá trình hưng phấn adrenergic. Khi đang sử dụng một loại thuốc mà gây trì hoãn xuất tinh thì hãy giảm liều hoặc đổi loại thuốc đang sử dụng. Thuốc điều trị xuất tinh chậm thường là những thuốc nhằm điều trị những bệnh lý khác bao gồm:
- Amantadine điều trị bệnh Parkinson;
- Buspirone dùng để an thần;
- Cyproheptadine điều trị dị ứng.
4.3 Những biện pháp khác
Một số biện pháp khác dùng để điều trị xuất tinh chậm như:
- Phong bế thần kinh đuôi ngựa thuộc vùng cuối đốt sống để điều chỉnh cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao giảm rồi châm cứu;
- Phẫu thuật bằng cách tiến hành đặt máy phát sóng xung động qua hậu môn để kích thích túi tinh làm xuất tinh dễ dàng hơn;
- Kích thích dương vật bằng điện hoặc rung dương vật, xoa bóp khu vực tiền liệt tuyến.
Khi có những biểu hiện xuất tinh chậm, người đàn ông không nên hoang mang, lo lắng mà hãy tìm đến cơ sở y tế để tìm hiểu về nguyên nhân bệnh lý, từ đó có cách điều trị xuất tinh chậm hiệu quả nhất. Vấn đề tâm lý ảnh hưởng khá nhiều đến tình trạng xuất tinh muộn nên bệnh nhân không nên quá lo âu và căng thẳng vì có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo vinmec.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Nam giới không có tinh trùng có bị vô sinh?
- Tập thể hình có làm đàn ông… yếu đi?
- 'Cậu nhỏ' cong làm sao cho thẳng?
- Gặp họa bởi dùng máy hút chân không tăng kích cỡ 'cậu nhỏ'
- Tưởng bị thoát vị đĩa đệm, người đàn ông bất ngờ nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
- Uống nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm?
- Bài thuốc đông y điều trị chứng rối loạn cương dương
- Rèn luyện sức khỏe bằng bài tập này, ung thư tuyến tiền liệt không còn là nỗi lo
- Hút thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tinh trùng?
- Đậu phụ có làm suy giảm ham muốn tình dục?
- Nam thanh niên bị mắc kẹt đồ chơi tình dục dài 23 cm
- Nam giới đừng chủ quan khi bị xuất tinh sớm