Xuất tinh ra máu: Những điều cần biết
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Xuất tinh ra máu là tình trạng trong tinh dịch có dính máu, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Đa phần các trường hợp xuất tinh ra máu đều do các bệnh lành tính, nhưng có một số trường hợp xuất tinh ra máu là dấu hiệu của bệnh lý ác tính, nhất là với những người trên 40 tuổi.
1. Nguyên nhân xuất tinh ra máu
Bình thường tinh dịch có màu trắng ngà, khi có bất thường có thể thấy hiện tượng tinh trùng có dính máu đỏ hay hồng, hoặc xét nghiệm thấy có máu trong tinh dịch.
Tinh trùng được tạo ra từ tinh hoàn và được nuôi dưỡng tại mào tinh. Khi quan hệ tình dục, các cơ co và đẩy tinh trùng ra ngoài, trên đường đi chúng nhận thêm các chất từ túi tinh, tuyến tiền liệt trước khi phóng ra ngoài niệu đạo.
Vì vậy khi một vị trí nào trên đường dẫn tinh bị chảy máu đều gây ra tình trạng xuất tinh ra máu.
Những nguyên nhân gây ra xuất tinh ra máu bao gồm:
- Nguyên nhân hay gặp: Viêm túi tinh, viêm đường dẫn tinh, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm lao mào tinh hoàn - tinh hoàn...;
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh;
- Tắc túi tinh, nang túi tinh hay sỏi túi tinh;
- Chấn thương niệu đạo, vùng chậu, tinh hoàn...;
- Do các thủ thuật y tế như sinh thiết tuyến tiền liệt, cắt đốt tuyến tiền liệt, chọc hút mào tinh...;
- Khi quan hệ tâm lý quá căng thẳng hay tư thế không thuận lợi dẫn tới tổn thương niêm mạc niệu đạo cũng gây xuất tinh ra máu;
- Các bệnh toàn thân: Rối loạn đông máu, tăng huyết áp, xơ gan...;
- Do các nguyên nhân ác tính thường gặp ở những bệnh nhân trên 40 tuổi có xuất tinh ra máu: Ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh, ung thư tinh hoàn, u lympho.
2. Chẩn đoán xuất tinh ra máu như thế nào?
Để chẩn đoán tình trạng xuất tinh ra máu cần dựa vào triệu chứng như thấy tinh dịch có dính máu đỏ, hồng, nâu hay xét nghiệm thấy hồng cầu trong tinh dịch.
Xác định nguyên nhân gây xuất tinh ra máu cần tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Siêu âm ổ bụng: Giúp đánh giá tình trạng tuyến tiền liệt, gan, thận, bàng quang;
- Siêu âm tinh hoàn: Giúp xác định tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm mào tinh hoàn...;
- Siêu âm qua trực tràng: Là kỹ thuật phương tiện hữu hiệu để chẩn đoán các bệnh lý khu vực túi tinh và tuyến tiền liệt như canxi hóa tuyến tiền liệt, sỏi túi tinh, giãn túi tinh, nang túi tinh hoặc nang ống phóng tinh;
- Chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung: Là một phương tiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có giá trị nhất trong thăm dò túi tinh, tuyến tiền liệt và được chỉ định thực hiện trong các trường hợp nghi ngờ bệnh lý trên siêu âm qua trực tràng;
- Nội soi túi tinh: Được chỉ định thực hiện trong các trường hợp xuất tinh ra máu kéo dài trên 3 tháng mà không tìm thấy nguyên nhân nào, hoặc xuất tinh ra máu kéo dài mà phát hiện bất thường túi tinh qua siêu âm hay chụp cộng hưởng từ;
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp đánh giá tình trạng viêm đường tiết niệu;
- Xét nghiệm tinh dịch: Làm xét nghiệm tinh dịch đồ, nuôi cấy tìm vi khuẩn trong tinh dịch, tìm các tế bào ác tính trong tinh dịch;
- Xét nghiệm máu: Xác định công thức máu, tốc độ máu lắng, tình trạng chức năng đông máu, xét nghiệm PSA (giúp định hướng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt).
Tuy nhiên không phải tất cả bệnh nhân đều làm hết các xét nghiệm trên. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh, thời gian mắc bệnh, tuổi tác và các dấu hiệu kèm theo để định hướng nguyên nhân và đưa ra những chỉ định cận lâm sàng phù hợp, giúp tìm nguyên nhân gây bệnh để tiến hành điều trị mang lại hiệu quả cao.
3. Điều trị xuất tinh ra máu như thế nào?
Điều trị xuất tinh ra máu cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị xuất tinh ra máu gồm:
- Điều trị nội khoa: Trường hợp viêm nhiễm khuẩn dùng thuốc kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ và kết hợp với thuốc chống viêm. Các nguyên nhân toàn thân sử dụng thuốc điều trị các bệnh toàn thân;
- Điều trị ngoại khoa: Được chỉ định trong các bệnh lý như tắc túi tinh, nang túi tinh hay sỏi túi tinh; giãn tĩnh mạch niệu đạo; các bệnh ung thư ở giai đoạn sớm còn chỉ định phẫu thuật.
Xuất tinh ra máu có thể gây tâm lý lo lắng ở nam giới, tuy nhiên đa phần các trường hợp xuất tinh ra máu đều lành tính có thể tự khỏi, nhưng lại hay tái phát. Ngoài ra có một số trường hợp do các nguyên nhân ác tính. Điều cần làm là nên đi khám sớm tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời giúp giảm thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và giảm tái phát.
Theo vinmec.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Nam giới không có tinh trùng có bị vô sinh?
- Tập thể hình có làm đàn ông… yếu đi?
- 'Cậu nhỏ' cong làm sao cho thẳng?
- Gặp họa bởi dùng máy hút chân không tăng kích cỡ 'cậu nhỏ'
- Tưởng bị thoát vị đĩa đệm, người đàn ông bất ngờ nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
- Uống nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm?
- Bài thuốc đông y điều trị chứng rối loạn cương dương
- Rèn luyện sức khỏe bằng bài tập này, ung thư tuyến tiền liệt không còn là nỗi lo
- Hút thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tinh trùng?
- Đậu phụ có làm suy giảm ham muốn tình dục?
- Nam thanh niên bị mắc kẹt đồ chơi tình dục dài 23 cm
- Nam giới đừng chủ quan khi bị xuất tinh sớm