Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản và cách trị
Dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Ợ nóng nhiều hơn khi nằm nghỉ
Axit trong dạ dày trào lên thực quản nhiều hơn khi chúng ta nằm hoặc cúi người, từ đó gây ra chứng ợ nóng. Theo TS Walter J. Coyle, chuyên gia về dạ dày - ruột tại Torrey Pines Clinic (California, Mỹ): "Khi đứng thẳng, trọng lực giúp giữ thức ăn nằm yên trong dạ dày. Khi trọng lực giảm, hiện tượng trào ngược dễ xảy ra hơn". Đó là lý do tại sao những người bị ợ nóng mạn tính thường phải kê cao đầu khi nằm ngủ và không nên ăn nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đau do ợ nóng sau khi ăn
Hiện tượng đau ngay sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn nhiều, thường do dạ dày bị quá tải, không còn chỗ chứa, khiến dịch vị và thức ăn bị trào ngược lên. Theo TS Coyle, tốt nhất là không ăn quá nhiều, tránh ăn các loại thực phẩm giàu chất béo, hạn chế sử dụng rượu và hút thuốc lá và không nên ngồi ngả người ra phía sau khi ăn xong.
Đắng miệng
Trong một số trường hợp, acid dạ dày có thể trào ngược lên tới cuống họng, tạo ra vị đắng trong miệng, thậm chí có thể gây ngạt. Nếu có hiện tượng này, nhất là vào buổi đêm, nên tới gặp bác sĩ. Theo TS Coyle, một số loại thuốc ức chế enzym dạ dày và giảm độ axit trong dạ dày rất có hiệu quả trong trường hợp này.
Khàn giọng, đau họng, ho, hen
Theo TS Pfanner, chuyên gia dạ dày - ruột tại Texas (Mỹ), axit dạ dày trào lên thực quản sẽ làm tấy dây thanh. Khác với khi bị cảm lạnh, đau họng hoặc ho do axit dạ dày trào ngược có thể trở nên mạn tính, lâu ngày có thể chuyển biến thành bệnh hen suyễn. Nên thận trọng khi bị khàn giọng hoặc đau họng, nhất là khi hiện tượng xuất hiện sau khi ăn hoặc không đi kèm với các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi. Đây rất có thể là biểu hiện của triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Nhiều nước bọt
Theo TS Coyle, lượng nước bọt tiết ra trong miệng nhiều hơn cũng là một triệu chứng đáng chú ý của chứng trào ngược axit dạ dày. Thực chất, đây là một dạng khác của chứng ợ nóng. Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh sẽ có trạng thái thần kinh và phản xạ tương tự như khi bị nôn.
Buồn nôn
Có nhiều tác nhân gây ra tình trạng buồn nôn nên rất khó để có thể khẳng định đây là một thuộc tính của chứng trào ngược acid dạ dày. Tuy nhiên, theo TS Coyle: "Với một số bệnh nhân, triệu chứng duy nhất của chứng trào ngược axit dạ dày mà họ mắc phải là buồn nôn. Nếu cảm thấy nôn nao mà không hiểu tại sao, đó có thể là do hiện tượng trào ngược". Nếu tình trạng này diễn ra ngay sau khi ăn, khả năng bị trào ngược axit dạ dày là khá lớn. Trong trường hợp này, những loại thuốc làm giảm độ axit trong dạ dày sẽ giúp làm giảm cảm giác khó chịu.
Khó nuốt
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản lặp lại nhiều lần, theo thời gian, sẽ gây ra tổn hại nhất định cho thực quản. Theo TS Pfanner, axit bị trào ngược có thể làm sưng tấy mô thực quản dưới, từ đó làm hẹp thực quản và gây ra tình trạng khó nuốt.
Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Điều trị nội khoa
- Các thuốc trung hòa acid dạ dày như Maalox, Mylanta, Gelusil, Rolaids và Tums giúp giảm nhanh triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản nhưng không làm liền các tổn thương ở thực quản.
- Các chất chẹn thụ thể H2 như cimetidin, famotidin, nizatidin hoặc ranitidin làm giảm tiết acid và có tác dụng thuyên giảm bệnh lâu dài.
- Các chất ức chế bơm proton ức chế sản sinh acid và giúp niêm mạc thực quản có thời gian liền tổn thương.
Điều trị ngoại khoa
Thủ thuật Nissen siết chặt cơ vòng thực quản dưới để ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản bằng cách khâu phần đỉnh của dạ dày bao quanh bên ngoài đoạn thực quản dưới. Hiện nay phẫu thuật này có thể được tiến hành qua nội soi.
Thay đổi thói quen và lối sống
Nhiều người có thể làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản bằng cách thay đổi lối sống và thói quen. Những biện pháp sau nếu được tuân thủ có thể làm giảm trào ngược một cách có hiệu quả:
- Không ăn trước giờ ngủ 3 tiếng để làm dạ dày trống và giảm tiết acid. Nếu bạn không ăn, cơ thể sẽ không tạo ra acid để tiêu hóa thức ăn.
- Không nằm ngay sau khi ăn ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.
- Nằm đầu cao khoảng 15 cm với gối. Trọng lượng sẽ giúp ngăn chặn sự trào ngược dạ dày thực quản.
- Không ăn quá nhiều. Ăn nhiều thức ăn một lúc có thể làm tăng lượng acid cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Ăn ít và chia nhỏ bữa ăn ra.
- Tránh những thức ăn có nhiều mỡ, sô cô la, caffein, những thức ăn làm từ bạc hà hoặc có vị bạc hà, thức ăn có nhiều gia vị, thức ăn chua. Những thức ăn này làm giảm khả năng bảo vệ của lớp niêm mạc thực quản.
- Tránh các thức uống có cồn. Cồn có thể làm tăng khả năng acid ở dạ dày trào ngược lên thực quản.
Một số bài thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản
- Bài 1: hoài sơn, liên nhục, cát căn mỗi vị 16g, hắc táo nhân 20g, viễn chí 12g, bán hạ chế 10g, ngưu tất 16g, trần bì 12g, chỉ xác 10g, phòng sâm 20g, bạch truật 16g, cam thảo 12g. Sắc uống 2 ngày 1 thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn.
Bài 2: thảo quyết minh (sao vàng) 16g, hắc táo nhân 20g, mẫu lệ chế 16g, bạch linh 10g, bán hạ 10g, hậu phác 10g, trần bì 12g, chỉ xác 8g, bạch biển đậu 20g, hạt sen 20g, long nhãn 16g, phòng sâm 16g, đại táo 5 quả, cam thảo 12g. Sắc uống 2 ngày 1 thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn.
Theo kenhsuckhoe.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- 9 lợi ích sức khỏe của việc uống nước dừa trong mùa nắng nóng
- 10 lợi ích sức khỏe đáng khám phá của đậu cô ve
- 4 thực phẩm tác dụng bổ thận tráng dương
- Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư
- Loại quả mùa hè thơm ngon bổ dưỡng, giúp ngừa bệnh tiểu đường và giảm mỡ máu, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ
- Ăn dưa hấu thường xuyên trong mùa nóng, chuyện gì xảy ra với sức khỏe?
- 1 loại quả bán rẻ ở chợ Việt là cứu tinh cho người giảm cân, lại giúp hạ đường huyết
- Loại rau bán rẻ nhất chợ, quý ngang nhân sâm, người Việt nên ăn thường xuyên để sống thọ
- 7 món tránh ăn uống buổi sáng khi bụng đói
- Với chỉ 2 tách cà phê mỗi ngày, nguy cơ tái phát ung thư ruột thấp hơn tới 32%
- 3 điều bất ngờ khi bạn ăn miến thường xuyên, đây là 2 thời điểm không nên ăn miến vì gây hại dạ dày
- Bất ngờ 7 nhóm người này được khuyến cáo không nên ăn rau mùi